Đông y cho rằng: “Táo lấn phế (phổi), trong phế có hỏa, làm khí ủng tắc không thông, các khớp xương đau nhức, đầu và mặt ra mồ hôi, hàn nhiệt vãng lai, da khô và ngứa, nổi mụn li ti, đại tiện bí kết. Đờm lẫn máu nên có mùi tanh...”.
Nguyên nhân do táo khí làm tổn thương phế, bệnh do ngoại cảm phong nhiệt hóa táo, làm tổn thương âm dịch, tân dịch ở phế bị hao tổn mà sinh bệnh.
Triệu chứng: Ho khan không có đờm hoặc có đờm nhưng dính khó khạc ra, trong đờm có lẫn máu, đau tức ngực, đau họng, miệng mũi khô ráo, lưỡi đỏ rêu vàng mỏng, mạch tế sác. Các thầy thuốc lâm sàng thường nghĩ nhầm bệnh nhân mắc chứng ho lao.
Tùy từng trường hợp mà dùng bài thuốc thích hợp như sau:
Khi táo tà phạm phế hun đốt làm phế mất sự thanh nhuận sinh ho
Triệu chứng: Bệnh nhân ho nhiều nên tức ngực, đờm ít nhưng khó khạc ra, khi khạc ra có lẫn máu, bệnh nhân sốt nhẹ, sợ gió, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch tế hơi sác.
Phép trị: Sơ phong nhuận phế.
Bài thuốc “Tang hạnh thang”: Tang diệp 12g, sa nhân 8g, xuyên bối mẫu 8g, lê bì 8g, hạnh nhân 8g, đạm đậu xị 12g, chi tử 6g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn khi thuốc đã nguội.
Phế bị táo tà làm tổn thương tân dịch phế khí mất sự thanh túc, khí đạo mất sự nhu nhuận
Triệu chứng: Bệnh nhân ho khan, khản tiếng, có khi mất tiếng nói không rõ, khàn tiếng, miệng khô lưỡi đỏ, mạch sác.
Phép trị: Thanh táo nhuận phế.
Bài thuốc “Thanh yết ninh phế thang”: Cát cánh 12g, tiền hồ 8g, tri mẫu 8g, chi tử 8g, tang bạch bì 12g, xuyên bối mẫu 12g, hoàng cầm 8g, cam thảo 6g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn khi thuốc đã nguội.
Do táo nhiệt làm tổn thương tân dịch của phế, phế mắc chứng nuy (xẹp phổi)
Triệu chứng: Ho khan, đau họng, khó thở, tâm phiền khát nước, lông tóc khô, nước tiểu đỏ.
Phép trị: Thanh nhiệt, nhuận táo dưỡng âm bổ huyết.
Bài thuốc “Tư táo dưỡng vinh thang”: Sinh địa 12g, đương qui 8g, hoàng cầm 8g, đan bì 8g, bạch thược 12g, tần giao 12g, kinh giới 12g, huyền sâm 8g, cam thảo 4g. Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.
Do táo tà phạm phế, phế lạc bị tổn thương sinh chứng các huyết (ho ra máu)
Triệu chứng: Ho, ngứa trong họng, trong đờm có lẫn máu tươi, họng khô, sốt nhẹ về chiều, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch phù sác.
Phép trị: Thanh nhiệt nhuận phế sinh tân chỉ huyết.
Bài thuốc “Tả bạch tán”: Tang bạch bì 16g, địa cốt bì 16g, cánh mễ 20g, cam thảo 4g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp. Ngày một thang, sắc uống 2 lần trong ngày trước khi ăn.
Do táo tà phạm phế sinh chứng tỵ nục (chảy máu cam)
Triệu chứng: Bệnh nhân thấy mũi khô, họng ráo, không có đờm chảy máu mũi, có khi lên một cơn sốt nhẹ sau đó mới chảy máu mũi, lưỡi đỏ mạch phù sác.
Phép trị: Thanh nhiệt sinh tân lương huyết chỉ huyết.
Bài thuốc “Sa sâm mạch đông thang”: Bắc sa sâm 12g, mạch môn 12g, ngọc trúc 8g, cam thảo 4g, thiên hoa phấn 12g, bạch biển đậu 12g, tang diệp 12g. Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày trước khi ăn.
Hoặc dùng bài thuốc Nam: Lá huyết dụ phơi khô sao có mùi thơm 16g, rau má khô 20g nếu dùng tươi 30g. Ngày một thang sắc uống hai lần trong ngày trước khi ăn. Uống liên tục 3 ngày bệnh sẽ hết.
Chứng táo tà phạm phế trong bệnh tiêu khát (tiểu đường)
Triệu chứng: bệnh nhân khát nhiều thích uống nước càng uống càng thấy khát, miệng khô, đại tiện táo bón, tiểu tiện nhiều lần trong ngày, lưỡi đỏ khô ít tân dịch, mạch hồng sác.
Phép trị: Thanh nhiệt, nhuận táo sinh tân chỉ khát.
Bài thuốc “Nhị đông thang”: Thiên môn 8g, mạch môn 12g, thiên hoa phấn 8g, cam thảo 2g, hoàng cầm 6g, tri mẫu 8g, nhân sâm 6g, hà diệp 6g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày trước khi ăn.
TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng