Bệnh mũi đỏ (y học hiện đại gọi bệnh Rosacea) còn gọi mũi sư tử là hiện tượng da mũi đỏ tấy do các mạch máu dưới da vùng mũi bị giãn ra kèm theo những sẩn trứng cá, mụn mủ nằm rải rác hay tập trung thành đám, có thể hơi ngứa, teo da, có vẩy dày do các vẩy sừng ăn sâu vào các lỗ chân lông. Da thường xuyên tiết bã nhờn. Trường hợp bệnh nặng, mũi có thể biến dạng, phình to.
Y học cổ truyền xếp bệnh mũi đỏ thuộc bệnh tử (xích) điến phong. Bệnh gặp ở người da nhờn, nghiện rượu hoặc hay ăn thức ăn cay nóng. Nguyên nhân ban đầu do thấp và nhiệt tích tụ ở phế và tỳ vị gây ra. Khi bị bệnh lâu ngày, mũi bị biến dạng do khí trệ huyết ứ. Phép trị là bổ huyết, khu phong, trừ thấp. Dùng các bài thuốc sau:
Thuốc uống:
Bài 1: Truy phong hoàn: hà thủ ô, kinh giới tuệ, thương truật, khổ sâm mỗi vị 16g, tạo giác tử 32g. Tạo giác sắc kỹ lấy nước, cô đặc lại; các vị khác tán bột mịn; trộn với nhau thành viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 - 15g, uống với rượu hoặc nước chè, tùy theo tuổi. Tác dụng tháo thấp khu phong. Trị bệnh mũi đỏ, bạch điến.
Bài 2: Thông khiếu hoạt huyết thang: xích thược 3g, đào nhân 9g, lão thông 3g, xuyên khung 3g, hồng hoa 9g, hồng táo 5g, xạ hương 0,15g. Thêm rượu loãng sắc uống. Tác dụng hoạt huyết thông khiếu. Chữa nhức đầu xây xẩm do mặt mũi, đầu óc bị ứ tắc hoặc điếc lâu ngày, mặt xanh tím, bệnh mũi đỏ, bạch điến phong.
Mũi đỏ hay mũi sư tử thường kèm theo mụn trứng cá, mụn mủ, có vảy da dày...
Bài thuốc dùng ngoài:
Bài 1: Lấy nhựa mủ cây thuốc dấu bôi lên chỗ đau trước khi đi ngủ, đến sáng hôm sau dùng nước ấm rửa sạch mặt.
Bài 2: Chi tử nhân, đậu sị, mộc lan bì liều lượng bằng nhau. Các thứ trên nghiền thành bột mịn. Trước khi đi ngủ rửa sạch mặt rồi dùng ít bột thuốc trộn với ít dấm ăn thành dạng hồ nước, bôi lên chỗ bị bệnh, đến sáng hôm sau dùng nước ấm rửa sạch mặt.
Hoặc: chi tử nhân, đậu sị, tật lê tử, mộc lan bì liều lượng bằng nhau. Tất cả nghiền mịn, trước khi đi ngủ rửa sạch mặt, rồi dùng ít bột thuốc trộn với ít dấm ăn thành dạng hồ nước, bôi lên chỗ bị bệnh, đến sáng hôm sau dùng nước ấm rửa sạch mặt.
BS. Tiểu Lan